Một vấn đề cần được quan tâm khi xây dựng là giải pháp chống thấm dột cho ngôi nhà bởi điều kiện thời tiết khí hậu nhiệt đới của nước ta nóng ẩm, lại mưa nhiều nên hầu hết công trình đều bị thấm dột.

Giải pháp khắc phục tấm dột tạm thời

Kỹ sư Bùi Hoàng Chung (Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng) cho biết các bề mặt tường dễ bị nứt do co ngót đột ngột bởi tiếp xúc với khí hậu khắc nghiệt và chịu bức xạ trực tiếp từ môi trường. Trên thực tế, có nhiều cách để khắc phục tạm thời, chẳng hạn như tạo mảng cây xanh leo có kết hợp với vòi phun nước giúp cho bề mặt tường không bị co ngót đột ngột.

Ngoài ra, trong xây dựng cơ bản còn có phương pháp sử dụng cao su lỏng và sơn để chống thấm hiệu quả. Ưu điểm nổi bật của cao su lỏng so với các loại màng phủ bảo vệ khác là có khả năng khả năng đàn hồi, chống xuyên thủng rất lớn và có thể thu hồi lại đến 95% sau khi kéo giãn.

Vì thế mà cao su lỏng có thể sử dụng để chống thấm cho các công trình xây dựng có những vết nứt chưa ổn định. Phủ một lớp màng dày nhất định như cao su lỏng dọc theo vết nứt, thì khi vết nứt tiếp tục phát triển, cao su lỏng sẽ tự co giãn và đàn hồi theo vết nứt đó.

Nhờ đó, việc thấm dột còn được khắc phục rất hiệu quả khi gặp mưa lớn hay úng ngập. Bên cạnh đó, cao su lỏng cũng có loại ở dạng đông cứng ngay lập tức (Spray Grade), vì vậy khi sử dụng cần có máy phun chuyên dụng và bổ sung chất kích động để đẩy nhanh quá trình lưu hóa. Bởi cao su lỏng sẽ lưu hóa ngay sau khi bám dính trên bề mặt cần thi công ở nhiệt độ thường.

Nhưng tất cả các giải pháp chống thấm dột cần được xử lý ngay khi công trình còn đang thi công bởi đây sẽ là yếu tố tiên quyết để công trình xây dựng dân dụng bền vững và phù hợp với khí hậu ở Việt Nam.

Giải pháp xử lý thấm dột cho công trình dân dụng

Vấn đề hay gặp đối với tường là mảng tường hai bên vách hông thường là mảng tường lớn (>4m) và hay xảy ra nứt chân chim, nứt tường, nên bị thấm nước từ ngoài vào. Để hạn chế tình trạng này, khi xây dựng cần chia nhỏ ô tường (<4m) bằng cách bổ sung cột, đà giằng tường BTCT và xây tường gạch đúng kỹ thuật, phải miết hồ đầy đặn vào mạch hồ.

Đồng thời, vữa ximăng phải được trộn thật đều và đúng mác, xáo với nước thật kỹ trước khi tiến hành xây. Sau khi xây xong, cần bảo dưỡng tường thường xuyên tránh để tường khô cứng nhanh sẽ dễ gây nứt.

Đối với sàn và trần nhà, nơi bị thấm như bancông, vệ sinh, sênô,… phần lớn do công tác chống thấm không đúng quy trình và cũng do người thợ thiếu cẩn thận trong khâu bảo quản lớp chống thấm chính.

Với các vị trí cần chống thấm, điều đầu tiên là phải rất cẩn thận trong công tác bêtông lúc đổ tại vị trí đó được đầm chặt thật kỹ. Cùng với đó, lớp chống thấm chủ lực là lớp phụ gia chống thấm được quét trực tiếp lên bề mặt bêtông ít nhất ba lớp và quét đúng quy trình của hãng chống thấm quy định.

Còn lớp hồ phải được pha với phụ gia để cán hồ bảo vệ và tạo dốc tránh bị đọng nước, sau đó là lớp chống thấm lên mặt hồ cũng quét trình tự ba lớp và cuối cùng có thể là lát gạch hoặc quét hồ dầu bảo vệ trong trường hợp là sênô – máng nước…

Trần nhà là một vị trí cần quan tâm chống thấm dột nhất

Việc thấm dột mái hoặc mái tôn phải được lợp với độ dốc (>= 10%), trong đó chiều dài mỗi mái và phần giáp mái các tấm tôn phải là hai sóng khoảng 17cm, đồng thời, kiểm tra hướng gió chính của căn nhà mà lợp tôn xuôi theo hướng gió tránh bị rò nước khi mưa to, gió lớn. Khi thi công, vít bắn tôn được bắn ở sóng dương và xử lý silicon đầu vít cẩn thận, tránh đi trực tiếp lên tôn đề phòng trường hợp tôn bị cong vênh dẫn đến dột nước vào nhà.

Đối với việc thấm mốc và bong tróc chân tường chẳng hạn như chân tường tầng trệt, tường tầng hầm, tường nhà vệ sinh, tường hồ nước,… nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là chân tường không được xây bằng gạch thẻ cao 50cm tính từ mặt nền trệt cũng như không xử lý chống thấm chân tường. Do đó, chân tường đã hút ẩm ngược từ nền đất và giữ ẩm làm cho lớp vữa và bột trét sơn nước bị thấm, gây ra nấm mốc và bong tróc.

Giải pháp khắc phục nấm mốc đó là cạo hết lớp sơn hoặc cả lớp vữa bị bong tróc, sau đó làm vệ sinh sạch và trát lại lớp vữa xi măng đúng kỹ thuật. Sau khi tường đã khô, sử dụng chất chống thấm ngược quét ba lớp vào chân tường cao tối thiểu 50cm.

Đợi khi lớp này khô, tiếp tục bả bột trét và sơn nước như mới. Làm như vậy, chân tường sẽ được bảo vệ tốt theo thời gian nhờ vào lớp chống thấm đó.

Thực hiện tương tự như thế cho những vị trí khác. Song, các chuyên gia xây dựng vẫn khuyến cáo rằng, các chủ đầu tư nên lưu ý đến vấn đề chống thấm mốc ẩm ướt từ khi bắt đầu xây dựng để cho công trình phù hợp với khí hậu thời tiết nước ta và độ bền vững của công trình sẽ cao hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.